Một buổi sinh hoạt của Hội thánh của đức Chúa trời - Ảnh: Internet |
Thông tin về việc nhiều sinh viên ở TP.HCM bỏ học, bỏ nhà để đi theo “Hội thánh của đức Chúa trời” khiến cho dư luận hoang mang trong thời gian qua . Báo điện tử Một Thế Giới đã tìm hiểu về tình hình này tại một số trường đại học trên địa bàn thành phố.
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng dồn dập đưa tin về hoạt động của một nhóm người (hoặc tổ chức) có tên Hội thánh của Chúa trời (tên gọi khác là Hội thánh đức Chúa trời mẹ) khiến cho nhiều người hoang mang lo lắng. Thông tin phổ biến nhất là hội này đang đẩy mạnh các hoạt động được gọi là “truyền giáo” đến các đối tượng tượng học sinh, sinh viên trên một số trường đại học ở các địa phương như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng,Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, TP.HCM…
Theo các cơ quan chức năng, đây là tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận và cho phép hoạt động. Vì vậy những hoạt động của nhóm người tự xưng là Hội thánh của đức Chúa trời được cho là gây ảnh hưởng tiêu cực tới công tác, học tập rèn luyện và sinh hoạt của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên; tác động xấu đến tới an ninh trật tự trong các trường học, cơ sở giáo dục cũng như cuộc sống gia đình thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.
Người dân theo dõi lực lượng chức năng kiểm tra hành chính một điểm hoạt động của "Hội thánh của đức Chúa trời" tại TP.Thanh Hóa - Ảnh: Phúc Ngư |
Với tình hình như trên, vừa qua Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83), Công an Hà Nội gửi công văn đến các sở, trường để cảnh báo sinh viên về Hội thánh của đức Chúa trời.
Đồng thời một số trường đại học cũng ra văn bản cảnh báo tới các sinh viên và đề nghị các phòng ban, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập các lớp đặc biệt quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến trong sinh viên để kịp thời xử lý các trường hợp lôi kéo, truyền đạo trái phép của Hội thánh của đức Chúa trời tại các trường học.
Theo phản ảnh một số học sinh, sinh viên, tại TP.HCM những thành viên của Hội thánh đức của Chúa trời thường chọn những địa điểm có nhiều sinh viên lui tới như cổng trường, trạm xe buýt, công viên, bến xe, sau đó dùng nhiều hình thức khác nhau để lôi kéo học sinh, sinh viên theo Hội thánh đức Chúa trời.
Trước những thông tin nêu trên, phóng viên báo Một Thế Giới đã tìm hiểu về hoạt động truyền giáo của Hội thánh của đức Chúa trời (tự xưng) tại một số trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.HCM nhằm làm rõ có hay không việc nhóm người thuộc Hội thánh của Chúa trời xâm nhập sâu để truyền đạo trái phép Đồng thời chúng tôi cũng tìm hiểu Hội thánh của đức Chúa trời có đủ sức "quyến rũ" lôi kéo các sinh viên vào hội một cách dễ dàng như các thông tin đã đưa trước đó phản ảnh.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Một Thế Giới tại một số trường đại học ở TP.HCM:
Nắm bắt được thông tin Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (1 Võ Văn Ngân, P. Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị một số người được cho là thuộc Hội thánh của đức Chúa trời đến lôi kéo sinh viên vào hội những ngày vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng để làm rõ thông tin này.
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: T.V |
Thầy Đỗ Văn Dũng xác nhận sự việc này có xảy tại trường. Cụ thể là có nhóm người tự xưng là Hội thánh của đức Chúa trời bí mật xâm nhập vào trường để truyền đạo với các sinh viên, nhưng sau đó bị nhân viên bảo vệ trường phát hiện và mời ra khỏi khu vực.
Ngoài ra trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin về Hội thánh đức Chúa trời lôi kéo sinh viên tham gia, tuy nhiên đa số sinh viên của trường đều ý thức được vấn đề này và không tham gia, không co01 chuyện bỏ học và bỏ gia đình đi lang thang truyền đạo...
Các tài liệu, vật dụng để truyền đạo của nhóm người tư xưng là "Hội thánh của đức Chúa trời" bị Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thu giữ - Ảnh VTC News |
Về phía nhà trường, thầy Dũng cho biết trường cũng đã đưa ra những cảnh báo cho sinh viên thông qua Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và trên các trang thông tin nội bộ về những chỉ đạo của Bộ GD - ĐT để sinh viên tự phòng tránh
Theo thầy Đỗ Văn Dũng, nhà trường cũng rất cân nhắc trong việc ra các thông báo liên quan đến tôn giáo đối với các sinh viên bởi điều đó nếu không cẩn thận sẽ vi phạm quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của công dân. Thầy Dũng nói trách nhiệm của nhà trường là đưa ra những cảnh báo để các sinh viên có thể tự nhận định thế nào là tôn giáo, thế nào là tà đạo để tránh dẫn tới những hậu quả đáng tiếc khi tham gia.
Thầy Đỗ Văn Dũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa phát hiện bất cứ trường hợp sinh viên nào bỏ học để đi theo Hội thánh của đức Chúa trời.
Trong khi đó, theo thông tin trong dư luận thì Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có một số sinh viên bị lôi kéo vào Hội thánh của đức Chúa trời. Đồng thời xuất hiện một vài sinh viên có biểu hiện kỳ lạ, như luôn hỏi và rao giảng về "Thánh đức Chúa trời" hoặc tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện suốt đêm. Thế nhưng khi chúng tôi liên lạc với tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng, thầy Hạ khẳng định không có hiện tượng này trong phạm vi của nhà trường.
Một trường đại học khác ở TP.HCM là trường Nguyễn Tất Thành, các vị lãnh đạo trường cũng cho chúng tôi biết chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Hội thánh đức Chúa trời đã xâm nhập và lôi kéo sinh viên.
Trao đổi với thầy Nguyễn Bá Anh - Phó trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh của trường, thầy Anh cho biết, hiện tại qua quan sát thì chưa có dấu hiệu về việc truyền giáo từ Hội thánh của đức Chúa trời vào trường. Tuy nhiên nhằm ngăn ngừa hiện tượng này, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã lưu ý cho các sinh viên thông qua bản tin nội bộ được cập nhật liên tục cũng như trang Facebook chính của trường. Bên cạnh đó, trường cũng giao cho các ban cán sự lớp, lớp trưởng, lớp phó theo dõi sát sao khi phát hiện được những bất thường thì báo cho nhà trường để có biện pháp xử lý hợp lý.
Đối với Trường đại học Văn hóa TP.HCM, phóng viên báo Một Thế Giới đặt câu hỏi với tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng, về tình hình sinh viên của trường có bị Hội thánh đức của Chúa trời lôi kéo hay chưa. Thầy Nguyễn Thế Dũng cho biết hiện tại chưa thấy dấu hiệu về việc sinh viên trong trường theo Hội thánh của đức Chúa trời, nhưng nếu phát hiện thì trường sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời.
Cũng như các trường khác, Trường đại học Văn hóa TP.HCM đã triển khai văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Bộ CA, đồng thời nhà trường ra văn bản cảnh báo đến sinh viên và tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trường học, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những người lạ mặt vào trường để truyền đạo trái phép.
Trường Đại học Văn hóa TP.HCM - Ảnh: T.V |
Theo đó nhà trường sẽ giáo dục cho sinh viên nên tìm hiểu về tôn giáo một cách nghiêm túc và sáng suốt để nhận định đâu là tôn giáo, đâu là biến tướng của tôn giáo và tà đạo, nhằm giúp các sinh viên tự cảnh giác trong việc tiếp nhận các luồng thông tin khác nhau.
Thông tin về tình Hội thánh của đức Chúa trời xâm nhập vào các trường đại học tại TP.HCM như thế nào sẽ được chúng tôi phản ảnh trong các bài tiếp theo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ở TP.HCM có 4 địa điểm sinh hoạt tôn giáo mang tên Hội thánh đức Chúa trời được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Các cơ sở tôn giáo này đều trực thuộc Tổng hội Thánh đức Chúa trời có trụ sở tại Hàn Quốc. Hội thánh có trách nhiệm trong việc hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho các cơ sở trực thuộc.
Tất cả các cơ sở trên đều không chấp nhận các hoạt động truyền đạo vừa qua của tổ chức tự xưng là "Hội thánh của đức Chúa trời" hoặc "Hội thánh đức Chúa trời Mẹ" mà báo chí phản ảnh. Các hoạt động của nhóm tự xưng Hội thánh đức của Chúa trời không liên quan gì đến tổ chức tôn giáo đã được cấp phép hoạt động.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, có sự nhầm lẫn trong cách hiểu của báo giới cũng như của dư luận xã hội giữa các nhóm có cùng tên là “Hội thánh đức Chúa trời”, trong đó có nhóm đã được chính quyền cho phép hoạt động vì được coi là hợp pháp, còn nhóm hoạt động theo kiểu tiêu cực, lệch chuẩn đạo đức xã hội (như được phản ánh trên báo chí) là bất hợp pháp. Ông Thắng nói: "Trên thực tế, Hội thánh đức Chúa trời chính thống có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được Hàn Quốc công nhận và được phép hoạt động hợp pháp từ năm 1964, vào Việt Nam từ năm 2000. Ở một số nơi, tôn giáo này hành đạo một cách thuần túy, hợp pháp, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, quy định của hội thánh này ở Hàn Quốc, tuân thủ luật pháp Việt Nam chứ không như kiểu báo chí nêu ra gần đây. Họ không hoạt động theo kiểu ma mị, lừa đảo, không thu tiền. Vì vậy, họ được phép hoạt động bình thường, các cơ sở cấp xã cũng tạo điều kiện cho họ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”.
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị báo chí khi phản ánh cần thận trọng và phân biệt rõ khi sử dụng tên gọi “Hội thánh đức Chúa trời” vì một số nhóm mang tên là 'Hội thánh đức Chúa trời" bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở một số địa phương liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh của đức Chúa trời” gần đây cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.