TTO - 'Là anh trai cả, bố mất rồi mà anh không chịu quay về, không thắp hương cho bố. Từ đó mẹ khóc suốt, mắng anh bất hiếu, còn em thương anh nhiều hơn trách', một bạn đọc chia sẻ.
Hơn hai năm trước, cả xóm đạo ở xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) xôn xao trước câu chuyện của 4 thanh niên trong xóm bỏ đạo Công giáo theo một hội xưng là "Hội thánh Đức Chúa Trời".
Hai thanh niên sau đó đã bỏ Hội, quay về với đạo của gia đình. Nhưng N.H.T. (31 tuổi) thì chưa.
Chị N.T.H. (em gái anh T.) kể lại câu chuyện cho Tuổi Trẻ Online.
Hai năm trước, khi tôi đang là sinh viên đại học, anh nhắn tin cho tôi nói về Chúa, nói về sự cứu rỗi. Nhưng tôi thấy là lạ, không giống với niềm tin của đạo Công giáo chúng tôi tin tưởng lâu nay.
Tôi gọi điện hỏi, nhưng anh khuyên tôi nên đi theo anh. Tôi sợ quá, không dám kể cho mẹ nghe, nhưng câu chuyện không thể bưng bít được. Vài người, rồi dần dần cả xóm đạo biết chuyện anh và mấy người đang loan truyền thứ giáo lý khác với đạo Công giáo.
Hồi đó, anh tôi đang học lái xe ở Hà Nội. Nghe lời rủ rê của mấy người theo "Hội thánh Đức Chúa Trời", anh tò mò tìm hiểu nhưng bị lôi kéo. Anh cùng 3 người nữa ở xóm đạo đi theo, và đến giờ anh vẫn không chịu về với gia đình.
Thời gian đầu mới gia nhập hội này, anh vẫn về với mẹ, với anh em tôi. Nhưng ở xóm, người ta xì xào sao mẹ tôi lại để anh đi như vậy. Còn anh trách "sao mẹ không chịu tin lẽ thật, mà tin lời người đời?".
Gia đình tôi khổ tâm lắm. Anh là con trai trưởng, nhưng đi theo niềm tin trái ngược với đạo Công giáo. Bố mất, thậm chí anh không thắp hương cho bố, chỗ để đồ thắp hương không bao giờ anh đụng tay vào. Kể từ ngày đó, mẹ tôi cứ khóc suốt, hễ gọi điện cho anh là mẹ mắng chửi anh bất hiếu.
Nhiều lần anh về chỉ cầm cuốn sách Kinh thánh, nói nhiều về thứ đạo đó. Anh còn đến cả nhà anh em, họ hàng để giảng đạo, để nói lý. Không hiểu sao bên thứ đạo đó có luận điệu chắc chắn lắm, không có kẽ hở gì hết, nhất định anh đi lễ sa-bát ngày thứ 7, chứ không phải là ngày Chúa nhật như luật Công giáo buộc.
Thương anh, có lần mẹ giữ ở nhà không cho đi, nhờ người trông coi nhưng hễ nghe điện thoại của ai đó gọi đến, anh "dạ dạ, vâng vâng, em sẽ ra". Thế là anh trả lại dây chuyền bạc cho mẹ, không cầm tiền của mẹ, rồi đi luôn.
Dịp Tết, đến mùng 2, anh đòi đi tiếp. Mẹ giận quá, trói chân anh lại. Tội anh lắm, anh không chịu ăn uống, cả nhà tôi cũng quyết tâm nhịn đói theo anh luôn. Bạn bè lên thăm anh, anh vẫn cười nói nhưng cẩn thận lấy chăn trùm lên đôi chân đang bị trói.
Bạn bè ra về, anh khóc. Anh trách: "Sao mẹ đối xử với con như thế, như con chó bị xích lại. Đó là đức tin của con, con lớn rồi tự biết mình đang làm gì".
Mẹ cứ trói anh như vậy đến ngày thứ ba, có anh công an xã đi ngang qua nhà, anh hét lên nhờ thả anh ra, đó là quyền công dân không ai được trói lại. Được cởi trói, anh vẫn nói chuyện bình thường với gia đình, nhưng sau đó anh tiếp tục đi.
Không thể khuyên nhủ, mẹ thuê xe ra Hà Nội, nhờ sự can thiệp của công an đưa anh về. Lần đó đi được nửa đường thì xe đỗ lại cho ăn uống, nghỉ ngơi, anh trốn đi luôn, không về nữa.
Tôi biết anh cũng khổ tâm nhiều lắm, chịu đựng nhiều lắm vì bị gia đình đối xử như vậy. Tôi thương anh nhiều hơn trách.
Nếu anh đọc được những dòng viết này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng gia đình tuyệt vọng lắm. Mẹ luôn mong anh quay về, mẹ chỉ cần anh ở nhà thôi.
Theo cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.
Ban Tôn giáo Chính kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc...