Hoạt động của “Hội Thánh Đức Chúa trời”: Nguy hiểm và khó lường

Phóng viên Kinh tế & Đô thị vừa về thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất – nơi cư trú của Lê Nga Hoàng, một trong những “bang chủ” của nhóm truyền đạo "Hội Thánh Đức Chúa trời" tại Khu đô thị Lideco, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức để tìm hiểu thông tin.

Ông Lê Đại Giang - bố đẻ đối tượng Lê Nga Hoàng trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Duy Khánh
Từ đa cấp đến dị giáo
Trong câu chuyện với phóng viên, ông Lê Đại Giang (bố đẻ của Lê Nga Hoàng) cho biết, Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh chị em ruột. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng theo học tại trường Cao đẳng Dạy nghề Việt – Hung. Tuy nhiên, Hoàng đã bỏ học giữa chừng để tham gia bán hàng đa cấp. Được một thời gian, Hoàng lại chuyển sang buôn bán xe máy cũ ở quận Hà Đông. "Khi còn buôn bán xe máy cũ ở Hà Đông, tôi thấy nó có vẻ làm ăn được vì thi thoảng về nhà vẫn biếu tiền bố mẹ. Thấy con tu chí, vợ chồng tôi cũng lấy làm mừng. Nhưng được một thời gian, Hoàng lại “bẻ lái” chuyển thuê nhà ở thị trấn Trạm Trôi để kinh doanh máy lọc nước. Đến khi các cơ quan báo chí viết về “Hội Thánh Đức Chúa trời” thì tôi mới biết con mình tham gia nhóm dị giáo này" - ông Giang nói tiếp.

Sau khi biết Hoàng tham gia “Hội Thánh Đức Chúa trời”, vợ chồng ông Giang đã nhiều lần phân tích và khuyên nhủ con không nên đi theo vì thấy rõ tư tưởng, hành động của Hội này đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt, trái với nếp sống gia đình. Không những không nghe, Hoàng còn vận động vợ chồng ông Giang và anh chị em trong nhà tham gia “Hội Thánh Đức Chúa trời”. “Mấy hôm nghỉ lễ 30/4, 1/5, nó vẫn tiếp tục vận động gia đình và phản bác lại quan điểm của tôi. Tai hại hơn, Hoàng còn rủ rê vợ mới cưới là Đào Thị Anh đi theo” - ông Giang buồn bã chia sẻ.

Bài trừ không đơn giản
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Viết Lập – Phó Trưởng Công an xã Tiến Xuân cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 8 người đã và đang đi theo "Hội Thánh Đức Chúa trời" gồm: Quách Hữu Quý, Kiều Văn Lập, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Khánh Tú, Nguyễn Thị Được, Hoàng Công Giáp, Lê Nga Hoàng, Đinh Thị Hòa. Căn cứ vào tình hình an ninh trật tự tại địa phương, Công an xã đã xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa ngăn chặn, không để các đối tượng tuyên truyền trái phép đạo “Hội Thánh Đức Chúa trời”. Đồng thời, tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã, phối kết hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền đến các hộ dân nêu cao tinh thần cảnh giác. 

Cũng theo ông Lập, “Hội Thánh Đức Chúa trời” đã manh nha tại xã Tiến Xuân cách đây khoảng 5 năm. Do làm tốt công tác nắm địa bàn, Công an xã đã thu giữ nhiều tài liệu truyền đạo trái phép và có biện pháp khuyên nhủ, răn đe đến các đối tượng. Tuy nhiên, việc bài trừ việc truyền đạo này là điều không đơn giản. Ban đầu các đối tượng truyền đạo chỉ ngọt nhạt dỗ dành những người nhẹ dạ, nhưng theo thời gian, bắt đầu “mặn” dần. “Điều này rất nguy hiểm và khó lường” - ông Lập nói.

Về công tác quản lý dân cư, một công an viên xã Tiến Xuân cho biết, theo quy định, chỉ những người đang trong quá trình thi hành án treo hoặc chưa được xóa án tích, những đối tượng thuộc diện quản lý thì Công an xã mới từ chối cấp giấy tạm vắng. Vì vậy, những người theo “Hội Thánh Đức Chúa trời” trên địa bàn lên xin giấy tạm vắng, chúng tôi không thể từ chối. Lợi dụng “khe hở” này, họ xin giấy tạm vắng rồi đến các địa phương khác truyền đạo trái phép.

Quay lại câu chuyện của Lê Nga Hoàng, sau ngày 1/5, hai vợ chồng Hoàng nói với bố mẹ đẻ là xuống thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức để kinh doanh máy lọc nước. Nhưng ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Trưởng Công an thị trấn Trạm Trôi cho biết, sau khi ngành chức năng huyện Hoài Đức giải tán tụ điểm truyền đạo “Hội Thánh Đức Chúa trời” trái phép (tại nhà số 5 liền kề 5 Khu đô thị Lideco) do Lê Nga Hoàng cầm đầu, đối tượng này đã trả lại nhà cho chủ và chuyển toàn bộ đồ đạc đi nơi khác. 

Như vậy, trên thực tế, vợ chồng ông Lê Đại Giang cũng không rõ con mình ở đâu.

Một tín ngưỡng muốn hoạt động phải được đăng ký đến UBND cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng. Một tôn giáo muốn hoạt động phải được đăng ký, được cấp chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ sinh hoạt. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Do vậy, nếu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà không có đăng ký và chưa được cấp giấy chứng nhận là bất hợp pháp.
Luật sư Lê Vinh - Văn phòng Luật sư Văn Chương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội


Featured Post

Văn hóa - Mục sư Nguyễn Duy Thắng lần đầu lên tiếng: "Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ là một nhóm tà giáo"

""Hội thánh của Đức Chúa Trời" phản đối các hoạt động tôn giáo cực đoan, như đập bát hương, bàn thờ tổ tiên, ly khai gia đìn...